ISO là gì? Lịch sử hình thành và phát triển tiêu chuẩn hóa Quốc tế. Quá trình xây dựng một tiêu chuẩn ISO như thế nào. 3 quan điểm nhận thức nhầm lẫn về ISO phổ biến nhất.
Nội dung bài viết
1. ISO là gì
Chắc hẳn trước khi bạn đi tìm hiểu ISO thực sự là gì. Bạn đã từng nghe hoặc nhìn thấy ít nhất một lần:
- Quảng cáo trên các phương tiện truyền thông:…đạt tiêu chuẩn ISO Quốc tế 9001, ISO 22000.
- Một tấm biển hiệu của các doanh nghiệp có dòng chữ ISO 9001:2015.
ISO là viết tắt của từ: International Organization for Standardization có nghĩa là Tổ chức tiêu chuẩn hóa Quốc tế. Nếu theo tiếng Anh là “IOS” và tiếng Pháp là “OIN”. Nhưng những người sáng lập quyết định đặt tên là “ISO”. Trong tiếng Hy lạp “ISOS” có nghĩa là sự bình đẳng: Dù bạn ở bất kỳ Quốc gia nào, bất kỳ ngôn ngữ nào bạn đều được tôn trọng như nhau – Đó chính là “sự kết nối bình đẳng” thông điệp mà ISO muốn truyền đạt.
ISO là tổ chức Quốc tế độc lập phi chính phủ với 165 cơ quan tiêu chuẩn Quốc gia. Thông qua các thành viên thì tổ chức này tập hợp các chuyên gia để phát triển các tiêu chuẩn Quốc tế tự nguyện. Dựa trên sự đồng thuận và phù hợp với từng thị trường nhất định trước khi hướng tới xu hướng toàn cầu hóa.
2. Lịch sử phát triển của ISO
- Năm 1946 tại Luân Đôn (Anh): 65 chuyên gia từ 25 nước khác nhau trên thế giới đã gặp nhau để thảo luận về ý tưởng thành lập tổ chức tiêu chuẩn hóa Quốc tế.
- Năm 1947 Tổ chức tiêu chuẩn hóa Quốc tế chính thức ra đời với 67 Ủy ban kỹ thuật.
- Năm 1949 trụ sở ISO được đặt tại Route De Malagnou, Geneva, Thụy Sỹ. Tại đây bao gồm 5 thành viên thường trực.
- Tháng 05 năm 1952 tạp chí ISO đầu tiên được công bố các tiêu chuẩn phát hành hàng tháng.
- Năm 1987 ISO công bố tiêu chuẩn quản lý Chất lượng. Bộ tiêu chuẩn ISO 9000 trở thành tiêu chuẩn nổi tiếng và bán chạy nhất. Tìm hiểu về ISO 9001
- Năm 1995 ISO ra mắt website đầu tiên của mình iso.org. Và cho đến năm 2000 thì các tiêu chuẩn được bán trực tuyến trên đó.
- Năm 1996 ISO công bố tiêu chuẩn quản lý Môi trường. Tìm hiểu thêm về ISO 14001
- Năm 2005 thì ISO và IEC đã ra mắt ISO 27001 – Hệ thống quản lý bảo mật thông tin.
- Năm 2010 ISO ban hành tiêu chuẩn ISO 26000 – Hướng dẫn về trách nhiệm xã hội.
- Năm 2011 là tiêu chuẩn ISO 50001 – Hệ thống quản lý năng lượng.
- Năm 2018 phát hành tiêu chuẩn ISO 45001 – Hệ thống quản lý An toàn và sức khỏe nghề nghiệp.
(Trụ sở ISO tại Route De Malagnou, Geneva năm 1949/ Nguồn: iso.org)
(Giao diện website đầu tiên ISO/ Nguồn:iso.org)
Việt Nam gia nhập ISO khi nào?
- Năm 1977: Việt nam là thành viên thứ 77 ra nhập tổ chức tiêu chuẩn hóa Quốc tế.
- Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam (STAMEQ) là cơ quan thuộc Bộ KH&CN.
- STAMEQ đại diện cho Việt Nam trong 14 tổ chức quốc tế và khu vực: ISO, IEC, OIML, GS1, CGPM, WTO / TBT, ACCSQ / ASEAN, APEC / SCSC, APO, APQO, APMP, APLMF ASEM / TFAP-SCA và PASC.
3. Cơ cấu tổ chức, tầm nhìn sứ mệnh và mục tiêu của ISO là gì
a) Cơ cấu quản trị ISO
Hội đồng ISO là cơ quan quản trị cốt lõi của tổ chức và báo cáo lên Đại hội đồng. Nó họp ba lần một năm và bao gồm 20 cơ quan thành viên, các thành viên ISO và Chủ tịch các Ủy ban Phát triển Chính sách CASCO, COPOLCO và DEVCO:
- Các Ủy ban của các Chủ tịch tham mưu Hội đồng về các vấn đề mà Hội đồng quyết định.
- Các ủy ban thường trực của Hội đồng giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính ( CSC / FIN ), chiến lược và chính sách ( CSC / SP ), đề cử các vị trí quản trị ( CSC / NOM ) và giám sát các thông lệ quản trị của tổ chức ( CSC / OVE ).
- Các nhóm cố vấn cung cấp lời khuyên về các vấn đề liên quan đến chính sách thương mại của ISO (CPAG) và công nghệ thông tin (ITSAG).
- CASCO cung cấp hướng dẫn về đánh giá sự phù hợp.
- COPOLCO cung cấp hướng dẫn về các vấn đề của người tiêu dùng.
- DEVCO cung cấp hướng dẫn về các vấn đề liên quan đến các nước đang phát triển.
b) Tầm nhìn và sứ mệnh tới năm 2030
“Làm cho cuộc sống dễ dàng hơn, an toàn hơn và tốt hơn”
Trong một xã hội không ngừng thay đổi. Đó là thách thức và sự trì trệ có thể xảy ra ở quy mô Toàn cầu. Nơi mà những nước đang phát triển: Trách nhiệm đối với con người, môi trường và xã hội vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Những doanh nghiệp tại đây gặp phải không ít khó khăn về rào cản kỹ thuật trong thương mại khi ra thị trường Quốc tế.
ISO đã hợp tác với các tổ chức phát triển tiêu chuẩn khác như IEC, ITU thành lập ra tổ chức hợp tác tiêu chuẩn thế giới WSC. Mục đích của tổ chức này là hướng đến sự hài hòa chung giữa các tiêu chuẩn trên thế giới.
c) Mục tiêu
- Tiêu chuẩn ISO được sử dụng ở mọi nơi.
- Đáp ứng nhu cầu toàn cầu.
- Tất cả mọi ngôn ngữ đều có thể hiểu được.
4. Tổng quan về tiêu chuẩn ISO
a) Tiêu chuẩn ISO được hình thành như thế nào
Tiêu chuẩn được hình thành dựa vào nhu cầu của một thị trường. Các chuyên gia kỹ thuật sẽ xây dựng một bản thảo về tiêu chuẩn. Sau đó nó được thảo luận và bình luận một cách công khai trước khi đến giai đoạn bỏ phiếu đồng thuận. Nếu đạt được sự đồng thuận thì tiêu chuẩn sẽ được ban hành chính thức. Nếu không đạt được sự đồng thuận thì bản thảo sẽ được sửa đổi thêm và bỏ phiếu lại.
b) Ai là người xây dựng các tiêu chuẩn
Các ủy ban kỹ thuật – TC (Technical Committees) là bộ phận sẽ phụ trách một số lĩnh vực cụ thể. Hiện nay có khoảng 330 ủy ban kỹ thuật được thành lập. Ví dụ:
ISO / TC 176: Quản lý chất lượng và đảm bảo chất lượng (phụ trách ban hành ISO 9001).
ISO / TC 207: Quản lý môi trường (phụ trách ban hành ISO 14001)
ISO / TC 283: Quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.
Xem thêm: Danh sách các ủy ban kỹ thuật
c) Số lượng và nhóm tiêu chuẩn
Tính cho đến thời điểm tháng 06 năm 2021 thì hiện có 23887 tiêu chuẩn ISO với 97 danh mục tiêu chuẩn được xây dựng.
2 Nhóm tiêu chuẩn phổ biến chúng ta có thể hay gặp:
Tiêu chuẩn hệ thống quản lý: ISO 9001, ISO 14001. ISO 45001…
Tiêu chuẩn về sản phẩm: ISO 15528:2000 – sơn tường, ISO 7153-1:2016 – Dụng cụ phẫu thuật, ISO 2729:1995 Công cụ chế biến gỗ…
5. Những nhận thức nhầm lẫn về tiêu chuẩn ISO
a) Sản phẩm đạt chất lượng ISO 9001:2015
Đây là những nội dung quảng cáo chúng tôi muốn nhắc lại tại phần mở đầu của bài viết. Như chúng ta đã biết ISO 9001 là tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chứ không dành cho sản phẩm. Như vậy nếu đúng chúng ta phải nói “Hệ thống quản lý của Công ty phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001”.
b) ISO chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn
Tiêu chuẩn hóa hướng đến việc áp dụng cho mọi loại hình tổ chức doanh nghiệp và quy mô. ISO sẽ được xây dựng dựa trên những tiêu chí cụ thể phù hợp với từng bối cảnh khác nhau. Chính vì vậy quan điểm trên là hoàn toàn sai lệch.
c) Tiêu chuẩn Quốc tế luôn cao hơn tiêu chuẩn Quốc gia
Quan điểm này không phải lúc nào cũng đúng. Hầu hết các TCVN đều xây dựng dựa trên phần lớn các tiêu chuẩn ISO hoặc tiêu chuẩn của Mỹ, Anh, Nhật, Đức… Vì vậy TCVN hoàn toàn có thể tương đương với ISO hoặc các tiêu chuẩn khác.
Ví dụ: TCVN 4806-1:2018 hoàn toàn tương đương với ISO 6495-1:2015 – Thức ăn chăn nuôi.
Hi vọng qua bài viết này. Bạn đọc đã có cái nhìn đúng đắn hơn ISO là gì và các tiêu chuẩn phổ biến hiện nay. Nếu bạn quan tâm đến tiêu chuẩn nào hãy click vào từng chuyên mục của PAMV nhé.