Chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy là gì? Những hàng hóa nào phải thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thủ tục thực hiện bạn cần nắm rõ
Nội dung bài viết
1.Quy chuẩn là gì?
Hàng hóa nhóm 1 và hàng hóa nhóm 2
Đầu tiên chúng ta cần hiểu rõ hai khái niệm
- Sản phẩm và hàng hóa nhóm 1: Sản phẩm, hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, không gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường. Ví dụ (bàn, ghế, chiếc bút, sách, đệm, chiếu…).
- Sản phẩm, hàng hóa nhóm 2: Sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường. Ví dụ (Thiết bị truyền thông, đồ điện tử, thực phẩm, vật liệu xây dựng…).
Nhằm quản lý các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 (Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa số 05/2007/QH12). Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành ra các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc Gia hoặc Quy chuẩn kỹ thuật địa phương phục vụ công tác quản lý.
Quy chuẩn
Quy định về mức giới hạn của các đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường… phải tuân thủ để đảm bảo an toàn cho con người; môi trường, và bảo vệ lợi ích quốc gia và người tiêu dùng.
STT | Đối tượng của Quy chuẩn | Yêu cầu |
1 | Sản phẩm, hàng hóa | Mức, chỉ tiêu, yêu cầu liên quan đến sinh học, hóa học, vật lý, an toàn điện, từ trường… |
2 | Môi trường | Chất lượng môi trường xung quanh: Quy chuẩn nước thải, khí thải, tiếng ồn |
3 | Quá trình | Yêu cầu về vệ sinh, an toàn trong quá trình sản xuất, khai thác, chế biến, bảo quản, vận hành, vận chuyển |
4 | Dịch vụ | Yêu cầu về an toàn, vệ sinh trong dịch vụ kinh doanh, thương mại, bưu chính, viễn thông, xây dựng, giáo dục, tài chính, khoa học và công nghệ, chăm sóc sức khoẻ, du lịch… |
Ví dụ: Sản phẩm gạch đất sét nung quy định trong QCVN 16:2019/BXD (Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sản phẩm vật liệu xây dựng)
- Yêu cầu về đặc tính kỹ thuật: Độ bền cường độ nén cho mác gạch M125 ≥ 125 MPa; M100 ≥ 100 MPa.
- Yêu cầu quản lý: Các sản phẩm gạch đất sét nung phải thực hiện đánh giá hợp quy bởi đơn vị có chức năng được Bộ Xây dựng chỉ định.
2. Cơ quan ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia
Chính phủ giao các bộ quản lý ngành và lĩnh vực ban hành QCVN cho sản phẩm hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý. Chi tiết xem tại điều 70 luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa Số: 05/2007/QH12. Ví dụ:
- Bộ Y tế chịu trách nhiệm đối với thực phẩm, dược phẩm, vắc xin, sinh phẩm y tế, mỹ phẩm, nguyên liệu sản xuất thuốc và thuốc cho người, hóa chất gia dụng, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, trang thiết bị y tế;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm đối với cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chế phẩm sinh học dùng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, công trình thuỷ lợi, đê điều;
Danh mục hàng hóa nhóm 2 trực thuộc các bộ quản lý
STT | Bộ quản lý | Văn Bản |
1 | Bộ Công An | Thông tư số: 08/2019/TT-BCA |
2 | Bộ thông tin và truyền thông | Thông tư số: 11/2020/TT-BTTTT Thông tư số: 01/2021/TT-BTTTT |
3 | Bộ nông nghiệp phát triển nông thôn | Thông tư số: 14/2018/TT-BNNPTNT |
4 | Bộ khoa học và công nghệ | Quyết định số: 3810/QĐ-BKHCN |
5 | Bộ giao thông vận tải | Thông tư số: 41/2018/TT-BGTVT |
6 | Bộ lao động và thương binh xã hội | Thông tư số: 01/2021/TT-BLĐTBXH |
7 | Bộ công thương | Thông tư số: 13/VBHN-BCT |
8 | Bộ Y tế | Quyết định số Số: 1899/QĐ-BYT |
9 | Bộ xây dựng | Thông tư số: 19/2019/TT-BXD |
10 | Bộ văn hóa thể thao và du lịch | Thông tư số: 24/2018/TT-BVHTTDL |
3. Chứng nhận Hợp quy là gì
Định nghĩa
- Định nghĩa: Là việc xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
- Tổ chức chứng nhận Hợp Quy: Là tổ chức đánh giá sự phù hợp được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định thực hiện hoạt động Chứng nhận hợp quy.
- Danh sách các tổ chức đánh giá sự phù hợp được công bố trên website của các Bộ quản lý ngành và lĩnh vực.
Hình thức đánh giá hợp quy
Hình thức | Bên Thực hiện | Căn cứ thực hiện |
Tự đánh giá | Doanh nghiệp tự đánh giá | Theo quy chuẩn kỹ thuật |
Đánh giá bởi bên thứ 3 | Tổ chức chứng nhận |
Phương thức đánh giá
Có 8 phương thức đánh giá sự phù hợp (Điều 5 thông tư 28/2012/TT-BKHCN)
- Đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước: Thông thường sử dụng phương thức 5
- Đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu: Thông thường sử dụng phương thức 1, 7, 8.
Lưu ý: Việc sử dụng phương thức nào thường được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
4. Công bố hợp quy là gì?
Định nghĩa
Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Trình tự công bố hợp quy
- Bước 1 đánh giá hợp quy: Doanh nghiệp (bên thứ nhất) tự thực hiện đánh giá hoặc đăng ký với Tổ chức chứng nhận (bên thứ 3). Phương thức đánh giá quy định trong QCVN tương ứng.
- Bước 2 nộp hồ sơ công bố tại cơ quan quản lý chuyên ngành do Bộ quản lý lĩnh vực chỉ định.
Lưu ý: Hầu hết các sản phẩm doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ tại sở địa phương. Riêng một số sản phẩm quan trọng sẽ do cơ quan thuộc Bộ quản lý tiếp nhận. Ví dụ: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế), Sản phẩm thiết bị truyền thông (Cục Viễn Thông – Bộ TTTT)
Hồ sơ công bố hợp quy
- Bản công bố hợp quy;
- Giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc tương đương;
- Giấy chứng nhận hợp quy (hoặc Kế hoạch kiểm soát chất lượng, Chứng nhận HTQL ISO – nếu có; kết quả thử nghiệm sản phẩm còn hiệu lực trong vòng 12 tháng, báo cáo đánh giá hợp quy)
Lưu ý: Biểu mẫu kế hoạch kiểm soát chất lượng, báo cáo đánh giá hợp quy xem tại phụ lục III thông tư 28/2012/TT-BKHCN.
Sử dụng dấu hợp quy
- Doanh nghiệp được sử dụng dấu hợp quy trên sản phẩm, hàng hoá, bao gói của sản phẩm, hàng hoá, trong tài liệu về sản phẩm, hàng hoá đã được cấp giấy hợp quy, công bố hợp quy.
Kết luận: Chứng nhận và công bố hợp quy là quy định bắt buộc của sản phẩm, hàng hóa phải thực hiện trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Tuân thủ quy định pháp luật liên quan là nghĩa vụ của mỗi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đối với người tiêu dùng.